-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hiểu chính xác về bệnh thoái hóa khớp gối để có được phương pháp điều trị thích hợp
Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng các sụn và xương dưới sụn thoái hóa, cọ xát vào nhau hình thành nên các gai xương và hốc xương dưới sụn gây đau và cứng khớp.
Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng chủ yếu gặp ở người cao tuổi, nữ giới bị nhiều hơn nam giới (tỉ lệ khoảng 80%).
Bệnh thoái hóa khớp gối cũng có tiến triển rõ rệt theo độ tuổi, tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh. Ở độ tuổi dưới 26, chỉ khoảng 4,6% ở nam, 4,9% ở nữ; đến độ tuổi 27-45, tỉ lệ này lại tăng với 18,6% ở nam và 9,3% ở nữ; đến độ tuổi 46-60 tỉ lệ mắc bệnh này tăng lên là 50%.
Dấu hiệu bệnh thoái hóa khớp gối
Cũng giống như các bệnh xương khớp khác, bệnh thoái hóa khớp gối tiến triển khá chậm. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh thường gặp:
Đau nhức: Đau âm ỉ tại khớp gối, cường độ đau sẽ tăng dần theo thời gian khi người bệnh di chuyển hoặc vận động. Các cơn đau có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi.
Sưng tấy, khó vận động: Đầu gối sưng tấy, khó co duỗi nên hạn chế vận động, đi lại khó khăn.
Cứng khớp: Khớp đầu gối dễ bị cứng, nhất là khi ngủ dậy. Các cử động đơn giản như co duỗi chân bình thường cũng phải đợi 10-20 phút để khớp giãn ra.
Tiếng lục cục ở khớp gối: Khi chân co duỗi phát ra tiếng lạo xạo, lục cục.
Khớp bị teo, biến dạng: Đây là triệu chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp đầu gối
Thoái hóa khớp đầu gối thường do những nguyên nhân sau đây:
Tuổi tác: Đây là thủ phạm phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp gối, do quá trình lão hóa tự nhiên.
Cân nặng: Khớp gối chịu áp lực mạnh nhất từ trọng lượng cơ thể. Nên nếu bị thừa cân, béo phì sẽ gây ảnh hưởng đến khớp gối.
Công việc: Những người làm công việc chân tay, đứng lâu, khuân vác nặng cũng dễ mắc bệnh đau xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.
Chấn thương: Va chạm, ngã… là nguyên nhân trực tiếp làm tổn thương khớp gối.
Sai tư thế: Ngồi hoặc đứng quá lâu, ngủ sai tư thế cũng có thể ảnh hưởng đến khớp đầu gối.
Thiếu dinh dưỡng: Chế độ ăn thiếu hụt canxi sẽ ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng cách nào?
Tùy vào trường hợp bệnh cụ thể mà sẽ có những cách chữa khác nhau. Dưới đây là một số cách điều trị thoái hóa khớp gối phổ biến nhất:
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp cải thiện thoái hóa khớp gối làm giảm đau, chống viêm. Vật lý trị liệu có thể được áp dụng ở giai đoạn sớm, điều trị kết hợp với phương pháp khác hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp song song với điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp khác (thuốc).
Các kỹ thuật của vật lý trị liệu: chiếu hồng ngoại, chườm nóng; luyện tập cơ, khớp, cố định khớp gối bị biến dạng, xoa bóp, co – gập, kéo căng, vận động khớp (đi bộ, bước lên cầu thang, đi xe đạp), kỹ thuật tập tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể (PNF).
Tập thể dục nhẹ nhàng
Nhiều người thắc mắc “Bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không”. Đi bộ cũng là một hình thức tập luyện giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Do vậy, người bị thoái hóa khớp vẫn nên đi bộ nhẹ nhàng, nếu đầu gối không bị viêm, sưng tấy.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập các bài tập thể dục khác, như tập yoga, leo cầu thang…
Giảm cân, thay đổi chế độ dinh dưỡng
Thống kê cho thấy có 78% người bị thoái hóa khớp gối là người béo phì. Do đó điều đầu tiên cần làm chính là kiểm soát cân nặng.
Chế độ dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng để hỗ trợ điều trị và phục hồi xương khớp. Người bệnh nên ăn các loại cá nước lạnh (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích…), các loại nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò, bê cung cấp rất nhiều glucosamin và chonroitin, đây là những hợp chất tự nhiên cấu thành sụn; ăn ngũ cốc, đậu nành, các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường khả năng miễn dịch và phục hồi của cơ thể.
Theo doisongvietnam.vn